Mặc dù có khả nhiều điểm số cao, hệ thống phanh tự động khẩn cấp (AEB) lại là yếu tố khiến VF e34 không đạt điểm an toàn tối đa của ASEAN NCAP.
VinFast VF e34 đạt 4 sao an toàn ASEAN NCAP
Ngày 8/11, ASEAN NCAP công bố mẫu VinFast VF e34 đạt 4/5 sao an toàn theo các tiêu chí được đề ra.
Chương trình đánh giá xe mới Đông Nam Á (ASEAN NCAP) là một hoạt động thường niên được thành lập bởi Viện Nghiên cứu An toàn Giao thông Đường bộ Malaysia, giúp đánh giá các tính năng an toàn trên ôtô được phân phối trong khu vực.
VinFast VF e34 thiếu gì để không có điểm tối đa?
Theo đó, ASEAN NCAP sẽ đánh giá một chiếc xe có đủ an toàn hay không thông qua 4 hạng mục chính, bao gồm Adult Occupant Protection (Bảo vệ Người lái và hành khách), Child Occupant Protection (Bảo vệ Trẻ em), Safety Assist Technology (Công nghệ An toàn), Motorcyclist Safety (An toàn cho Người lái xe Mô tô).
Hạng mục Adult Occupant Protection, VinFast VF e34 đạt điểm cao nhất với 35,92 điểm (điểm cao nhất 40), trong khi hạng mục Motorcyclist Safety thấp nhất với 12,5 điểm (điểm cao nhất 20). Tổng điểm VF e34 đạt được là 78,99 điểm.
VinFast VF e34 đạt điểm cao trong nhiều hạng mục của ASEAN NCAP
Về hạng mục Adult Occupant Protection, các bài test của VF e34 đều đạt điểm số cao, đồng thời với việc trang bị nhiều túi khí (trừ túi khí cho phần đầu gối) giúp mẫu xe điện Việt Nam đáp ứng hầu hết tiêu chí trong hạng mục này.
Ở hạng mục Child Occupant Protection, VF e34 không gặp khó khăn gì và đã vượt qua nhiều bài test thử nghiệm ở cả hàng ghế trước và sau.
Bảng kết quả của VinFast VF e34 ở hạng mục Child Occupant Protection.
Tuy nhiên với việc thiếu hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB và hệ thống giữ làn đường, VinFast VF e34 không được điểm cao ở hạng mục Safety Assist Technology. Tổng cộng mẫu xe điện Việt Nam đạt 8/14 tiêu chí trong hạng mục này nhưng vẫn xếp hạng tối đa với 4 sao an toàn. Trong khi đó ở hạng mục cuối cùng là Motorcyclist Safety, VF e34 đạt 50% tiêu chí.
Nhiều đối thủ của VinFast VF e34 cũng không được trang bị AEB
Nhóm xe đô thị tầm giá 500-600 triệu đồng được nhiều người dùng tại Việt Nam ưa chuộng vì độ tiện dụng khi di chuyển trong đô thị. Những cái tên trong nhóm này có thể kể đến mẫu xe điện VinFast VF e34 và nhiều mẫu xe xăng như Hyundai Kona, Ford EcoSport, Honda HR-V, Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, MG ZS.
Mặc dù vậy không chỉ VF e34, hệ thống AEB dường như không xuất hiện trên những mẫu xe chạy xăng cùng tầm giá. Thay vào đó, các hãng xe chỉ cung cấp hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp.
Thậm chí mẫu MG ZS, vốn đạt 5/5 sao an toàn vào năm 2020 theo tiêu chuẩn ASEAN NCAP cũng không được trang bị hệ thống này khi được phân phối tại thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
MG ZS, mẫu xe đạt 5/5 sao an toàn theo tiêu chuẩn ASEAN NCAP cũng không được trang bị hệ thống AEB.v
Hệ thống phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking – AEB) không quá xa lạ với người dùng Việt, khi nó xuất hiện trên nhiều mẫu sedan và SUV hạng C. Khi phát hiện vật cản phía trước có khả năng va chạm mà người lái không có biểu hiện giảm tốc, xe sẽ tự động kích hoạt hệ thống phanh để giảm thiểu va chạm cũng như thương vong xảy ra.
Đây được coi là công nghệ quan trọng nhất trong hệ thống hỗ trợ lái tự động, khi nó trực tiếp giảm thiểu va chạm xảy ra. Tuy có nhiều ưu điểm, AEB cũng gây không ít phiền toái khi sử dụng ở điều kiện giao thông Việt Nam. Hệ thống này kích hoạt bất ngờ có thể khiến xe phía sau không kịp phản ứng và gây va chạm.